Nhắc tới Visual Merchandising (bán hàng trực quan) người ta thường nghĩ đến công việc thiết kế, sắp đặt không gian trưng bày sản phẩm nhằm gây ấn tượng, thu hút khách hàng ghé thăm, mua hàng. Tuy nhiên, ngày nay khi thương mại điện tử thống trị, câu hỏi đặt ra là Visual Merchandising có còn là nghề có tiềm năng phát triển hay không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
1. Xu hướng Visual Merchandising thế kỷ 21
Visual Merchandising nhen nhóm xuất hiện vào những năm 1800 nhưng chỉ là cách sắp xếp sản phẩm đơn giản. Cho đến khi nhiều cửa hàng bắt đầu xuất hiện cửa sổ trưng bày và đạt được mức doanh thu vượt trội, Visual Merchandising mới chính thức trở thành một nghề chuyên nghiệp. Hiện nay, Visual Merchandising vẫn đang phát huy sức mạnh của nó trong việc thu hút và thúc đẩy doanh số bán hàng trong các cửa hàng vật lý.
Tuy nhiên, khi thương mại điện tử xuất hiện và ngày càng chiếm ưu thế, người ta bắt đầu lo lắng rằng liệu Visual Merchandiser có còn đất diễn nữa không? Nhưng Visual Merchandising online và Visual Merchandising offline không có mối quan hệ triệt tiêu, ngược lại, chúng có mối quan hệ hỗ trợ. Vậy Visual Merchandising khi lên nền tảng số sẽ như thế nào, mời bạn đón đọc trong phần tiếp theo.
2. 7 nguyên tắc ứng dụng Visual Merchandising trong thương mại điện tử
1. Window Display (Trang chủ website)
Tương ứng với cửa sổ trưng bày của các cửa hàng trên phố, trang chủ website cũng là thứ đầu tiên khách hàng tiềm năng nhìn thấy. Đây là nơi tuyệt vời để doanh nghiệp cập nhật những ưu đãi, bộ sưu tập, các sự kiện mới hay các mặt hàng bán chạy nhất. Bạn có thể tận dụng không gian trang chủ website để thu hút sự chú ý của khách hàng bằng cách chạy các quảng cáo động nhằm giới thiệu một dòng sản phẩm. Các thông điệp quảng cáo này nên được cá nhân hóa theo đối tượng khách hàng của thương hiệu.
2. Shop Layout (Bố cục trang web)
Một điều quan trọng khi áp dụng Visual Merchandising trong các cửa hàng bán lẻ là sắp xếp bố cục để khối lượng sản phẩm bán ra nhiều hơn. Tương tự với bố cục trang web, bạn cần xác định đâu là khu vực khách hàng tiềm năng hay xem nhiều nhất, đâu là trang họ dừng chân lâu nhất và tối ưu hóa trải nghiệm bằng cách đặt quảng cáo, sản phẩm mới vào những trang trên.
3. Site Navigation (Điều hướng trang web)
Các siêu thị thường có bảng chỉ dẫn trên cao để làm nổi bật loại sản phẩm nào mà khách hàng có thể tìm thấy ở mỗi hướng đi. Tuy nhiên, đối với trang web, bạn sẽ cần nghiên cứu chi tiết hành trình trải nghiệm của khách hàng, cụ thể gồm:
Thanh menu
Danh mục sản phẩm lớn, menu sắp xếp theo tầng sẽ dễ để khách hàng theo dõi hơn.
Thanh tìm kiếm
Tính năng tự động điền sẽ giúp hiển thị các từ khóa và hình ảnh phù hợp khi khách hàng truy vấn. Đồng thời, người mua có thể sử dụng bộ lọc tìm kiếm để tìm được sản phẩm họ muốn nhanh chóng nhất.
4. Imagery and Video (Hình ảnh và video)
Ở cửa hàng truyền thống, người tiêu dùng sẽ có cơ hội trải nghiệm sản phẩm trước khi mua hàng. Tuy nhiên đối với thương mại điện tử, sự thiếu tương tác vật lý là rào cản bạn cần vượt qua thông qua sự kết hợp với truyền thông tiếp thị.
Hình ảnh sản phẩm năng động, video sắc nét với nhiều góc độ khác nhau, thậm chí là cho phép người dùng xem cận cảnh là điều cần thiết. Hãy khảo sát xem khách hàng thích nhìn sản phẩm theo bộ, được người mẫu mặc hay hình ảnh thực?
5. Online Social Proof (Bằng chứng xã hội trực tuyến)
Một cửa hàng với hàng dài khách hàng đợi được vào sẽ khiến ta chú ý hơn là một cửa hàng vắng. Trên trực tuyến, đây được gọi là bằng chứng xã hội trực tuyến. Theo đó, số lượt thích, theo dõi, mua hàng hay số người xem một mặt hàng sẽ được hiển thị để làm nổi bật nhu cầu sản phẩm. Với cùng một chiếc áo, bạn sẽ chọn mua ở nơi có 3000 lượt bán hay 30 lượt bán?
6. Product Recommendations (Đề xuất sản phẩm)
Các ma nơ canh thường được mặc bộ trang phục hoàn chỉnh để khách hàng có động lực mua cả bộ hoặc chọn thêm phụ kiện hợp với quần áo. Tương ứng với nền tảng trực tuyến, khi bán sản phẩm áo, Visual Merchandiser sẽ khéo léo chèn thêm ảnh của túi, mũ, hoa tau để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Bạn cũng có thể đề xuất các sản phẩm được nhiều người mua cùng với sản phẩm chính, hoặc các sản phẩm đang được nhiều người mua nhất trên trang.
7. Online Checkout Optimization (Tối ưu thanh toán trực tuyến)
Khu vực thanh toán trong các cửa hàng bán lẻ là công cụ giúp tăng khối lượng sản phẩm bán ra. Đây là không gian lý tưởng để trưng bày các sản phẩm mức giá thấp, chiêu dụ hành vi mua của khách hàng. Điều này tương tự với trang web, khi khách hàng được đề xuất mua thêm phụ kiện trang trí cho chiếc váy, chiếc túi của mình.
Bên cạnh đó, trên sàn thương mại điện tử, Visual Merchandiser thường thiết kế dạng trượt ở giỏ hàng vì thiết kế dạng này dễ dàng thêm các sản phẩm đề xuất và kích thích mua hàng hơn. Ngoài ra, các trang web cũng thường hiển thị các widget hay popup quảng bá chương trình khách hàng thân thiết trên trang giỏ hàng.
Trên đây là 7 nguyên tắc Visual Merchandiser cần chú ý để ứng dụng nghệ thuật bài trí trên các nền tảng trực tuyến. Bạn có thể thấy rằng Visual Merchandising không bị giới hạn trong các cửa hàng vật lý. Sàn thương mại điện tử hay các trang web bán hàng hoàn toàn có thể tận dụng sức mạnh của Visual Merchandising để tạo trải nghiệm thương hiệu hấp dẫn cho khách hàng của họ.